06 cách giúp bạn cải thiện kĩ năng viết Tiếng Anh
Kỹ năng viết IELTS nói riêng và viết tiếng Anh nói chung có lẽ luôn là một nỗi lo ngại của nhiều bạn học viên từ trước đến nay. Hôm nay Arrowenglish sẽ mang đến cho các bạn 6 cách hữu ích để giúp các bạn có thể luyện tập để dần nâng cao kỹ năng có vẻ “khó ăn ”này.
1. Biến viết lách trở thành một hoạt động thường nhật
Practice makes perfect! (Càng luyện tập càng hoàn hảo!)
Nếu bạn xem kỹ năng viết cũng giống như bất kì kỹ năng nào khác : nấu ăn hay thậm chí là chơi thể thao thì việc bạn cần luyện tập để cải thiện là không cần bàn cãi!
Các bạn hãy thử cố gắng đặt mục tiêu viết mỗi ngày – không cần phải viết quá dài hay tốn quá nhiều thời gian, mỗi ngày một đoạn thôi là đã đủ rồi nè! Bạn cũng có thể bắt cặp với ai đó cùng chí hướng để cùng viết sau đó đọc và sửa cho nhau, cách này sẽ giúp cả hai cùng tiến bộ mà tránh “nguy cơ lười biếng” khi chỉ luyện tập một mình.
2. Đọc, đọc nữa, đọc mãi
Như bất kì kĩ năng nào khác, càng có ví dụ cụ thể để ta noi theo thì bộ não con người sẽ càng học được hiệu quả. Khi đọc, chúng ta sẽ học được cách người khác làm thế nào để diễn đạt nội dung của họ theo một cách hiệu quả nhất, từ đây ta sẽ chọn được phong cách viết phù hợp nhất với mình để học hỏi.
Như vậy, để phối hợp tuyệt vời với bài tập viết mỗi ngày ở phần 1, các bạn có thể viết một đoạn để tóm tắt lại những gì bạn đã đọc được hôm nay, không chừng bạn sẽ học được những điểm tuyệt vời từ kĩ năng viết của tác giả và ứng dụng ngay được cho mình!
Với IELTS, Arrowenglish có rất nhiều bài mẫu writing chất lượng cao ở mục Bài giải mẫu, các bạn chắc chắn sẽ học được rất nhiều từ các thấy cô band 8 và 8.5 của trung tâm đấy!
3. Viết ngắn gọn, xúc tích
Đừng cố dùng những từ vừa dài vừa phức tạp do chúng có thể gây hoang mang, không hề tự nhiên nên sẽ khó tiếp cận người đọc. Đặc biệt, nếu bạn dùng những từ “đao to búa lớn” trong kì thi IELTS trong khi chưa hoàn toàn hiểu rõ và dùng chính xác, đây chắc chắn sẽ là điểm trừ trong bài thi của bạn đấy !
Ví dụ: Các bạn có còn nhớ bài hát đình đám một thời “We don’t talk anymore” của Charlie Puth và Selena Gomez?
Nếu chúng ta” cố đấm ăn xôi “ mà biến nó thành “We no longer maintain verbal conversations”thì nghe thật là khiên cưỡng và cứng nhắc nhỉ? Chẳng còn chút tự nhiên nào của ngôn ngữ luôn!
Ngoài ra, không nên dùng những từ fillers như “very”, “really”, “just”… trong khi viết do chúng sẽ làm câu của bạn dài một cách không cần thiết và đánh mất sự xúc tích của bài.
4. Đọc lại thành quả để kiểm tra lỗi
Đây tuy là một bước rất quan trọng nhưng lại dễ bị lãng quên trong quá trình viết. Những lỗi sai thật ra sẽ rất dễ phân tán sự chú ý của người đọc và sẽ làm thông điệp của đoạn văn bị phớt lờ.
Đặc biệt khi viết essay trong IELTS, những lỗi đáng ra có thể tránh được lại chính là nguyên nhân khiến nhiều bạn mãi không thể lên band điểm. Ngoài ra, não bộ chúng ta thường có xu hướng bỏ qua những lỗi sai khi nhìn thấy, để khắc phục vấn đề này, các bạn có thể tìm thầy cô giúp sửa bài hoặc dùng công cụ online như Grammarly chẳng hạn.
5. Truyền tải nội dung rõ ràng
Một lỗi thường gặp khi viết là các bạn dễ đi lòng vòng trước khi vào ý chính và hậu quả của việc này là bạn sẽ dễ lạc đề. Hãy nhớ chú trọng vào nội dung mà bạn muốn diễn đạt và đảm bảo rằng những gì bạn viết đều đang liên kết với nhau để củng cố và minh họa cho ý tưởng của mình.
Một điều không kém phần quan trọng là bạn phải biết rõ độc giả của mình: họ muốn nghe điều gì, họ muốn thông điệp được truyền tải theo cách nào. Ví dụ với IELTS essays, chắc chắn rằng bạn nên dùng lối viết formal (trang trọng), có sự mạch lạc và liên kết, đồng thời bám sát các yếu tố chấm thi để truyền tải ý tưởng tới giám khảo thành công nhé.
6. Bắt tay vào viết nào!
Đôi khi bước khó nhất lại chính là việc thật sự ngồi vào bàn và đặt bút viết. Lúc này đây bạn đã nên có cho mình một kế hoạch rõ ràng về những gì muốn nói cũng như cách mà bạn sẽ thể hiện trong bài viết.
Đối với IELTS, Arrowenglish khuyên bạn nên dành 5 đến 10 phút để lập dàn ý trước khi bắt tay vào viết luận. Bằng cách này bạn sẽ có một khung ý tưởng đã được sắp xếp và tránh được sự lạc đề hoặc trùng lặp ý khi triển khai nội dung.
Tất cả nghe có vẻ khá nhọc nhằn nhưng đến bước này thì bạn đi được 60% chặn đường rồi đấy! Bây giờ bạn chỉ cần thuyết phục bản thân rằng MÌNH CÓ THỂ. Nào, hãy thử ngồi xuống trước quyển vở hay máy tính của mình và bắt đầu chinh phục kĩ năng “khó ăn” nhất này nhé !